Hầu hết những trục trặc của các thiết bị công nghiệp của đều có những dấu hiệu cảnh báo sớm. Phân tích dầu bôi trơn là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện những dấu hiệu. Cùng tìm hiểu tầm quan trọng và lợi ích của công đoạn này qua những thông tin sau.
1. Phân tích dầu bôi trơn là gì?
Phân tích dầu bôi trơn là quá trình thu thập và kiểm tra các mẫu dầu đã qua sử dụng từ máy móc, nhằm mục đích đánh giá tình trạng của dầu, mức độ nhiễm bẩn và dấu hiệu mài mòn của các bộ phận bên trong thiết bị. Quá trình này thường được thực hiện trong phòng thí nghiệm với nhiều loại thử nghiệm khác nhau, cung cấp một cái nhìn toàn diện về:
- Tình trạng của dầu: Đánh giá xem dầu còn giữ được các đặc tính bôi trơn cần thiết hay đã bị biến chất do các quá trình như oxy hóa, nhiệt phân hoặc cạn kiệt phụ gia.
- Tình trạng nhiễm bẩn: Xác định sự hiện diện và nồng độ của các tạp chất có hại như nước, bụi bẩn (silic), nhiên liệu, chất làm mát hoặc các loại dầu mỡ khác (nhiễm chéo).
- Tình trạng mài mòn: Phát hiện và định lượng các hạt kim loại sinh ra từ quá trình mài mòn của các chi tiết máy (vòng bi, bánh răng, bạc lót…), giúp xác định bộ phận nào đang gặp vấn đề.
2. Tại sao phân tích dầu bôi trơn lại cần thiết?
Phân tích dầu bôi trơn không chỉ là một hoạt động kiểm tra định kỳ, mà là một công cụ chiến lược mang lại nhiều lợi ích thiết thực:
2.1 Theo dõi tình trạng dầu, ngăn ngừa dầu biến chất
Trong quá trình vận hành, dầu nhớt phải chịu đựng nhiều tác động từ nhiệt độ, áp suất, ma sát và sự tiếp xúc với oxy, dẫn đến các quá trình suy thoái chất bôi trơn.
Phân tích dầu giúp phát hiện:
- Oxy hóa: Thể hiện qua sự gia tăng độ nhớt và chỉ số axit tổng (TAN), cho thấy dầu đang bị lão hóa và có thể hình thành cặn bẩn.
- Suy thoái nhiệt: Gây ra sự thay đổi độ nhớt và có thể tạo ra các sản phẩm phụ gây hại.
- Cạn kiệt phụ gia: Đo lường nồng độ các chất phụ gia quan trọng (chống mài mòn, chịu cực áp, chống oxy hóa) để xác định khi nào chúng không còn đủ khả năng bảo vệ.
Lợi ích mang lại: Thay vì thay dầu theo một lịch trình cố định, phân tích dầu bôi trơn cho phép kĩ thuật viên đưa ra quyết định thay dầu dựa trên tình trạng thực tế. Điều này giúp kéo dài tuổi thọ dầu một cách an toàn, tiết kiệm chi phí mua dầu mới và chi phí xử lý dầu thải, đồng thời đảm bảo máy móc luôn được bôi trơn hiệu quả.
2.2 Phát hiện sớm nhiễm bẩn
Sự xâm nhập của các chất nhiễm bẩn vào hệ thống bôi trơn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Phân tích dầu giúp xác định loại và mức độ nhiễm bẩn:
Các loại nhiễm bẩn thường gặp phát hiện qua phân tích dầu:
- Nước: Gây gỉ sét, ăn mòn, làm giảm khả năng bôi trơn và thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật.
- Bụi bẩn (Silic): Gây mài mòn ba vật thể (three-body abrasion) làm hỏng các bề mặt tiếp xúc.
- Nhiên liệu: Làm loãng dầu, giảm độ nhớt và khả năng chịu tải.
- Chất làm mát: Gây oxy hóa dầu và có thể tạo ra cặn bẩn.
- Nhiễm chéo: Sự lẫn lộn giữa các loại dầu mỡ không tương thích có thể làm thay đổi tính chất bôi trơn.
Lợi ích mang lại: Giúp kĩ thuật viên có biện pháp khắc phục kịp thời (sửa chữa phớt làm kín, cải thiện hệ thống lọc, xác định và loại bỏ nguồn gây nhiễm) trước khi chúng gây ra những hư hỏng nghiêm trọng cho máy móc.
2.3 Chẩn đoán tình trạng mài mòn của thiết bị
Một trong những lợi ích giá trị nhất của phân tích dầu bôi trơn là khả năng theo dõi tình trạng mài mòn của các bộ phận bên trong máy móc.
Phân tích dầu giúp phát hiện:
- Các hạt kim loại mài mòn: Thông qua phân tích nguyên tố hoặc phân tích hạt có trong dầu bôi trơn. Sự gia tăng tỉ lệ của một loại kim loại cụ thể (ví dụ: sắt, đồng, nhôm) thường chỉ ra bộ phận tương ứng đang bị mài mòn (bánh răng, vòng bi, bạc lót, piston…).
Lợi ích mang lại: Đây là một hình thức bảo trì tiên đoán hiệu quả. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu mài mòn cho phép bạn lên kế hoạch bảo trì, sửa chữa hoặc thay thế các bộ phận bị ảnh hưởng một cách chủ động.
<ảnh info>
3. Lợi ích kinh tế và vận hành
Việc triển khai một chương trình phân tích dầu bôi trơn bài bản mang lại nhiều lợi ích như:
- Kéo dài tuổi thọ thiết bị: Phát hiện sớm và giải quyết các vấn đề về bôi trơn và mài mòn giúp máy móc hoạt động bền bỉ hơn.
- Giảm thiểu thời gian dừng máy: Bảo trì chủ động dựa trên tình trạng giúp tránh được các sự cố bất ngờ.
- Tối ưu hóa chu kỳ thay dầu: Tiết kiệm chi phí dầu mới và xử lý dầu thải bằng cách chỉ thay dầu khi thực sự cần thiết.
- Tăng cường an toàn vận hành: Phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn có thể gây nguy hiểm.
- Cải thiện hiệu quả thiết bị: Máy móc được bôi trơn tốt sẽ hoạt động trơn tru hơn, giảm ma sát và tiêu hao năng lượng.
Phân tích dầu bôi trơn giúp kĩ thuật viên, quản lý nhà máy hiểu rõ tình trạng thực tế của dầu nhớt và thiết bị, đặc biệt là các dấu hiệu suy thoái chất bôi trơn, từ đó đưa ra các quyết định bảo trì chủ động và hiệu quả.
Thái Sơn là đơn vị cung cấp các giải pháp bôi trơn công nghiệp, bôi trơn tự động toàn diện cho các nhà máy. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn các giải pháp phù hợp, tối ưu theo từng dự án.